Cá Mắt Ngọc có tên khoa học là Hyphessobrycon pulchripinnis, đây là một loài cá có kích thước nhỏ thường được nuôi trong các bể thủy sinh hoặc bể cá cảnh biotope rất đẹp. Cá Mắt Ngọc có vẻ bề ngoài rất đặc trưng, chúng có màu vàng chanh nhẹ nhàng kèm theo đó là 1 cặp mắt đỏ rực. Nếu bạn là một người yêu thích cá cảnh thì đây là một loài cá đáng để trải nghiệm trong bể của mình.
Thông tin cơ bản về Cá Mắt Ngọc
- Tên khoa học: Hyphessobrycon pulchripinnis.
- Tên thường gọi: Cá mắt ngọc, cá tetra chanh.
- Nhiệt độ nước: 22–28°C.
- pH: 5.5–7.5.
- Tính cách: hiền lành, thích sống theo đàn từ 6 con trở lên.
- Thể tích bể tối thiểu: khoảng 75 lít (20 gallons).
- Thiết lập bể: nhiều cây thủy sinh, ánh sáng vừa phải, nền tối giúp làm nổi bật màu sắc của cá.
- Nguồn gốc: Sông Tapajós, lưu vực sông Amazon, Brazil.
- Kích thước trưởng thành: khoảng 4–5 cm.
- Tuổi thọ: 4–8 năm trong điều kiện nuôi dưỡng tốt.
- Độ khó: dễ nuôi.
- Phù hợp với bể: BioTope, bể thủy sinh.
Chăm sóc cá Mắt Ngọc
Thức ăn: Đây là một loài cá dễ nuôi, chúng thuộc loài cá ăn tạp vì vậy sẽ phù hợp với đa dạng nguồn thức ăn như cám dán cho cá, cám khô, hoặc các loại thức ăn tươi như trùng chỉ, trùng huyết, bobo, loăng quăng… Tuy nhiên thì bạn cũng nên kiểm soát chế độ ăn uống của chúng để đảm bảo chúng sẽ ăn hết không gây dư thừa tránh lãng phí thức ăn và gây ô nhiễm môi trường nuôi.
Môi trường sống: Cũng như các dòng cá cảnh khác, cá mắt ngọc cũng cần phải có một môi trường nuôi đảm bảo về chất lượng nước. Các thông số của nước không được biến đổi quá nhiều trong 1 khoảng thời gian ngắn (ph, nhiệt độ,… cần được đảm bảo ổn định).
Sinh sản ở cá Mắt Ngọc
Là một loài cá sinh sản theo hình thức đẻ trứng, khi tới mùa sinh sản, con mái sẽ kiếm các lá cây thủy sinh, phiến đá hay gốc lũa để đẻ trứng. Con đực sẽ có nhiệm vụ thụ tinh vào các trái trứng này. Đây là loài cá không biết chăm sóc con, vì vậy bạn nên tách cá bố mẹ ra bể khác sau khi chúng sinh sản, vì chúng có thể sẽ ăn hết trứng mà chúng đã sinh ra.
Các loài cá có thể sống chung với cá Mắt Ngọc
Cá Mắt Ngọc sống rất ôn hòa chúng thích hợp nuôi chung với các loài cá nhỏ, không hung dữ như cá neon, cá tam giác, cá bút chì, cá chuột corydoras… Nên thả 1 bể 5-10 con để chúng cảm thấy không đơn lẻ và tránh nhút nhát.
Cá Mắt Ngọc là lựa chọn lý tưởng cho người mới bắt đầu chơi thủy sinh nhờ vào vẻ đẹp nổi bật, dễ chăm sóc và tính cách thân thiện. Chúng không chỉ làm đẹp cho bể cá mà còn mang lại sự sống động và hài hòa cho không gian sống của bạn.