Bí kíp nuôi tép Sulawesi

Nuôi tép sulawesi cần bí kíp nào không, người mới bắt đầu nuôi tép sula cần những kinh nghiệm nào để tránh thất bại ở những lần đầu tiên? Vâng có vô vàn các câu hỏi được đặt ra khi bắt đầu nuôi dòng tép cảnh vô cùng hấp dẫn này. Ở bài viết này chúng tôi sẽ đưa ra cho bạn những lời khuyên thiết thực nhất để bạn có thể bắt tay vào nuôi tép sulawesi.

Nguồn gốc xuất xứ của tép Sulawesi

Một loài tép có xuất xứ từ Indonesia được một nhóm bảo tồn người Đức nghiên cứu và đặt tên cho một số dòng tép sulawesi nổi bật như tép sula chân trắng (Sulawesi white shock). Các loài này sống ở dưới đáy ở hồ Poso và Towuti ở hòn đảo Sulawesi. Một số thông số nước mà các nhà nghiên cứu người Đức đo được tại đây gồm (Nhiệt độ: 27-30 độ C – ph: 7.8-8.5 – GH: 5-10).

Các bước thiết lập 1 bể nuôi tép Sulawesi

Để có thể nuôi được dòng tép sula tuyệt đẹp này chúng ta có rất nhiều cách và phương pháp setup khác nhau, tuy nhiên các phương pháp này cũng cần phải tuân thủ theo các thông số nước tiêu chuẩn để mô phỏng môi trường sống của chúng sẽ giống với môi trường ngoài tự nhiên nhất. Ở đây chúng tôi đưa ra một phương án setup bể nuôi được cho là đạt hiệu quả và tỉ lệ thành công cao nhất.

1 – Chuẩn bị các phụ kiện cần thiết

  • 1 cái bể với thể tích nước khoảng 15 – 20 lít nước
  • 2kg nền Seachem Onyx sand hoặc Seachem Onyx
  • Đèn đánh tảo , ưu tiên các loại đèn có công suất cao 1 chút, với thể tích nước này bạn có thể sử dụng mẫu đèn Flat nano s3 plus, hoặc chihiros a seri…
  • khoáng 7.5 hoặc 8.5
  • Nguồn nước: chúng tôi khuyến nghị tốt nhất là nước lọc RO để chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát được chất lượng nước đầu vào một cách an toàn.
  • Vi sinh: có rất nhiều loại nhưng lời khuyên hữu hiệu nhất là các loại vi sinh dạng nước như stability, biodeges.
  • Lọc: có thể sử dụng box lọc đáy, lọc ngoài, hoặc lọc bio đều được

2 – Thiết lập bể nuôi

Nền sau khi mua về bạn cần rửa sạch lại để loại bỏ bớt bụi bẩn, sau đó bạn có thể trải 1 lớp nền bằng phẳng hoặc dốc sườn núi tùy theo sở thích của bạn (có thể trang trí thêm 1 số loại đá để tạo cảnh quan cho bể trông đẹp mắt hơn). Sau khi bố trí cảnh quan và nền bạn có thể tiến hành vào nước và chạy lọc đồng thời trâm đủ vi sinh và khoáng chất ngay sau khi setup. Việc cung cấp khoáng chất và vi sinh ngay từ ban đầu để giúp chất lượng nước nhanh chóng đi vào ổn định. Sau khi sắp xếp và thiết lập xong bể tép sula bạn cần chú ý tới thời gian ban đầu để mở đèn, theo kinh nghiệm của chúng tôi thì việc mở đèn 24/24 trong thời gian khoảng 10-15 ngày là điều rất cần thiết, nếu như mọi thứ thuận lợi thì khoảng 10 tới 15 ngày bể tép của bạn sẽ xuất hiện những đốm rêu đầu tiên.

3 – Qúa trình chạy cycle hoàn tất và tiến hành thả tép

Sau khoảng 1 thời gian chạy Cycle khoảng vào ngày thứ 20 thì bạn thay 30-40% nước và trâm bổ sung khoáng để chuẩn bị cho quá trình thả tép để test hồ nuôi. Việc thả tép để test môi trường nuôi là điều cần thiết để tránh sự hao hụt tép về ban đầu, ngay sau khi thả tép test nước trong 3 ngày đầu bạn quan sát tép không có dấu hiệu bất thường (hở cổ, lười hoạt động hoặc tép chết), thì lúc này bạn có thể bổ sung tăng cường thêm các loại tép sula mà mình yêu thích.

Một số lưu ý để bạn chăm sóc tép sulawesi tốt hơn

Tép sulawesi là dòng tép không thích sự thay đổi, vì vậy việc thay nước quá nhiều hoặc quá thường xuyên sẽ không tốt cho chúng. Các chuyên gia nuôi tép sula chỉ khuyên bạn thay nước định kì 20% nước hàng tháng và bổ sung thêm khoáng chất ở mỗi lần thay này.

  1. Tạo nơi trú ẩn: Là dòng tép cảnh nhút nhát và sống theo bầy đàn và mỗi lần lột vỏ tép sẽ yếu và cần nơi trú ẩn. Các loại đồ chơi gốm sứ, hang đá, lá cây, bụi rêu… đều là những đồ trang trí và cũng là nơi trú ẩn hưu ích rất tốt cho tép sulawesi.
  2. Cộng đồng: Với tập tính nhút nhát nên việc thả 1 lượng tép phù hợp với kích thước của bể cũng là yếu tố quyết định sự mạnh dạn cũng như sự thoải mái cho tép hoạt động kiếm thức ăn bên trong bể nuôi tép sula. Một gợi ý được cho là lý tưởng với 10 con tép cho bể 10 lit nước, nếu bể của bạn quá lớn và số lượng tép sula không đủ để lấp đầy, bạn cũng có thể thả thêm các dòng tép màu bởi dòng tép này có thông số nước nuôi cũng tương đối với tép sulawesi. Việc thả số lượng tép phù hợp cũng giúp bể của bạn luôn cân bằng về lượng thức ăn dư thừa và dinh dưỡng do phân tép thải ra đủ để duy trì và nuôi rêu tảo bên trong bể.
  3. Các đồ trang trí tốt cho tép sulawesi: Chúng tôi khuyến nghị các bạn nên sử dụng các loại đá như kẹp kem, đá da voi những loại đá này có tính kiềm cao giúp tái tạo môi trường tự nhiên tốt cho tép. Bên cạnh đó hãy sắp xếp các loại đá này tạo thành các hang để làm nơi trú ẩn cho chúng khi cần thiết.
  4. Thức ăn cho tép Sulawesi: Là một dòng tép thích ăn các loại tảo có bên trong bể, đặc biệt là các loại tảo bông. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều loại thức ăn dành riêng cho tép sulawesi như rau Bina, lá dâu tằm… Các loại thức ăn nguồn gốc từ thực vật này có thể phù hợp với hầu hết các loại tép sula từ dòng thấp tới dòng cao.

Một số câu hỏi mà người nuôi tép Sulawesi thường gặp

Hỏi: Tép sulawesi có thể nuôi chung với những loài cá nào?
Trả lời:
Là loài tép cảnh nhút nhát và nhỏ bé, vì vậy việc nuôi thêm cá cảnh trong bể nuôi tép sulawesi là không nên. Tuy nhiên không phải không có loài cá nào phù hợp, bạn có thể nuôi thêm các dòng cá có tập tính hiền lành và nhỏ bé như cá Otto, cá chuột Pygmy.

Hỏi: Tôi phải làm gì nếu như tép của tôi chết lai rai?
Trả lời: Nguyên nhân tép của bạn bị chết lai rai có nhiều tác nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là hồ bị nhiễm độc, no3, hoặc dính thuốc muỗi, nhang muỗi, hóa chất. Trong trường hợp này cách xử lý được cho là hiệu quả nhất là bạn chuyển tép sáng 1 bể mới, hoặc nếu không có bể mới thì có thể dùng các loại chế phẩm khử độc cho bể tép như Easy Filter Powder, Prime để hạn chế lượng tép hao hụt.

Hỏi: Tôi có thể nuôi tép sula bằng các loại nền công nghiệp không?
Trả lời:
Nếu bạn kiểm soát được các thông số nước cần thiết để nuôi tép sulawesi thì vẫn có thể, tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyên khách hàng của mình nên sử dụng các loại nền nuôi chuyên dụng để dễ kiểm soát các thông số bể nuôi tép sulawesi hơn.

Hỏi: Tép sulawesi có bị lai chéo không?
Trả lời: Có thể, nhưng tỉ lệ lai chéo diễn ra không quá nhiều như các dòng tép màu và tép ong, hiện nay cũng đã có rất nhiều các dòng tép sulawesi được lai tạo ví dụ như dòng tép sula chân trắng mắt cam, sula blue ghost…

Để lại một bình luận